HỘI THẢO KHOA HỌC CẤP KHOA “CÁC CÔNG NGHỆ MỚI VÀ ỨNG DỤNG TRONG CÁC NGÀNH KHOA ĐIỆN – ĐIỆN TỬ”

12-05-2025 Bui Quoc Thach

Sáng ngày 10 tháng 5 năm 2025, Khoa Điện – Điện tử, Trường Cao đẳng Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Các công nghệ mới và ứng dụng trong các ngành Khoa Điện – Điện tử” tại phòng họp D1.10. Đây là hoạt động nghiên cứu có ý nghĩa quan trọng, nhằm cập nhật kiến thức, tăng cường khả năng ứng dụng công nghệ mới trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên trong khoa.

Hội thảo với sự tham dự của 27 giảng viên khoa Điện – Điện tử và quý khách mời. Hội thảo nhận 27 bài tham luận, Ban tổ chức đã kiểm tra và biên tập đăng trong kỷ yếu Hội thảo. Chủ đề các bài tham luận xoay quanh các xu hướng công nghệ nổi bật trong các ngành học tại khoa Điện – Điện tử như: năng lượng tái tạo, công nghệ năng lượng xanh, điện tử công suất, tự động hóa và điều khiển, Internet vạn vật (IoT), ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI).

Hình ảnh giảng viên chụp lưu niệm tại buổi Hội thảo

Mở đầu khai mạc Hội thảo, ThS. Nguyễn Minh Quang – Phụ trách Khoa Điện – Điện tử nhấn mạnh: “Hội thảo không chỉ là dịp để chia sẻ kết quả nghiên cứu, mà còn là môi trường để giảng viên học hỏi lẫn nhau, cùng cập nhật các xu hướng công nghệ mới của các ngành nghề. Kết quả nghiên cứu không chỉ giúp giảng viên nâng cao trình độ chuyên môn, mà sẽ là tiền đề để thay đổi phương pháp giảng dạy, xây dựng bài giảng gắn liền thực tiễn và hướng dẫn sinh viên trong vấn đề nghiên cứu học thuật, đổi mới sáng tạo”.

Theo chương trình, 04 bài tham luận đại diện cho các bộ môn được trình bày tại Hội thảo, đã mang đến những góc nhìn sâu sắc và gợi mở nhiều thảo luận chuyên môn sôi nổi. Các chủ đề này đã giúp mở rộng kiến thức về các xu hướng công nghệ mới và cung cấp những hướng đi mới, cho công tác giảng dạy và nghiên cứu tại khoa Điện – Điện tử:

  • “Ranh giới mong manh giữa phần mềm và phần cứng trong truyền dữ liệu nối tiếp: khi “ảo” cố gắng đuổi kịp “thật” ” – ThS. Nguyễn Minh Quang. Bài tham luận phân tích vai trò của phần mềm mô phỏng trong thiết kế hệ thống truyền thông nối tiếp, đặc biệt trong giảng dạy và nghiên cứu. Việc kết hợp linh hoạt giữa phần mềm và phần cứng trong truyền dữ liệu nối tiếp là chìa khóa giúp tối ưu thiết kế hệ thống nhúng, đảm bảo hiệu năng, độ tin cậy và tính bền vững.
  • “Lợi ích của trí tuệ nhân tạo trong thiết kế bài kiểm tra” – TS. Hồ Hoài Nam. Bài tham luận giới thiệu giải pháp ứng dụng AI hỗ trợ thiết kế bài kiểm tra bằng cách tự động hóa quy trình tạo đề, cá nhân hóa theo trình độ người học và nâng cao chất lượng đánh giá trong giáo dục. AI giúp tiết kiệm thời gian cho giảng viên thông qua việc tự động hóa quá trình tạo đề, phân tích nội dung giảng dạy và đề xuất câu hỏi phù hợp.
  • “Những công nghệ mới trong ứng dụng điện mặt trời vào hệ thống điện” – ThS. Nguyễn Thị Hạnh. Tham luận phân tích những công nghệ mới trong ngành điện mặt trời như: công nghệ sản xuất tấm pin năng lượng mặt, tích hợp công nghệ IoT và ứng dụng AI vào trong hệ thống quản lý hệ thống thông minh, ứng dụng công nghệ lưu trữ năng lượng, nhằm nâng cao hiệu suất hoạt động của các nhà máy, để phù hợp với điều kiện Việt Nam.
  • “Khảo sát mức độ sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong học tập của sinh viên ngành CNKT Nhiệt, khoa Điện – Điện tử, Trường CĐ Công Thương TP.HCM” – KS. Nguyễn Đức Nhơn. Bài tham luận trình bày kết quả khảo sát về việc ứng dụng công nghệ AI trong học tập của sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật nhiệt, cho thấy sinh viên có nhận thức tích cực nhưng kỹ năng sử dụng còn hạn chế. Tác giả nhấn mạnh sự cần thiết phải đề xuất hệ thống giải pháp ứng dụng các công nghệ AI trong học tập, nhằm nâng cao kết quả học tập và phát triển năng lực của sinh viên.

Phần thảo luận và nhận xét tại Hội thảo diễn ra rất sôi nổi, với sự tham gia nhiệt tình của các giảng viên, trên tinh thần góp ý và chia sẻ để cùng nhau phát triển. Các thảo luận tập trung vào việc trao đổi, góp ý về mặt kỹ thuật, nội dung và tính ứng dụng của từng chủ đề. Giảng viên chia sẻ những kinh nghiệm thực tế, trong việc triển khai công nghệ mới vào giảng dạy và nghiên cứu. Các ý kiến đóng góp đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng các công nghệ mới, để nâng cao chất lượng giảng dạy và đào tạo sinh viên.

Hội thảo khoa học “Các công nghệ mới và ứng dụng trong các ngành khoa Điện – Điện tử” đã mang lại nhiều thông tin bổ ích và góc nhìn sâu sắc, về xu hướng công nghệ hiện đại trong các lĩnh vực liên quan đến các ngành học trong khoa Điện – Điện tử. Các bài tham luận đã nêu rõ vai trò quan trọng của công nghệ trong việc cải thiện hiệu suất và nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu trong khoa, đặc biệt là trong các lĩnh vực như: năng lượng tái tạo, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và công nghệ năng lượng xanh.

Bài viết khác